HỘI LIÊN HIỆP PHỤ NỮ XÃ LÊ LỢI VỚI HOẠT ĐỘNG CHO VAY VỐN NHCSXH

30/09/2024 10:13

HỘI LIÊN HIỆP PHỤ NỮ XÃ LÊ LỢI VỚI HOẠT ĐỘNG CHO VAY VỐN NHCSXH

Xã Lê Lợi nằm ở phía Đông Nam của huyện Thường Tín, tổng diện tích là 509 Ha. Dân số là 8700 nhân khẩu trong đó có hơn 1700 hội viên của HLHPN xã. Lê Lợi có Chợ đầu mối gia cầm lớn nhất miền Bắc – Chợ gia cầm Hà Vỹ và làng nghề thêu truyền thống thôn Từ Vân – nổi tiếng với nghề thêu cờ tổ quốc lâu đời. Nhân dân trong xã chủ yếu là làm nông nghiệp bên cạnh đó các hộ dân còn phát triển thêm kinh doanh buôn bán gia cầm, thủy cầm và làm nghề thêu ren truyền thống. Với sự phát triển và nhu cầu ứng dụng KHKT trong việc sản xuất nông nghiệp và nhu cầu vốn vay phát triển kinh tế của các hộ sản xuất kinh doanh ngày một tăng, thì hoạt động cho vay vốn NHCSXH đối với các hộ dân nói chung và hội viên phụ nữ nói riêng là một hoạt động thiết thực đem lại nhiều hiệu quả tích cực.

Hội Liên hiệp Phụ nữ (HPN) xã Lê Lợi đã và đang là một trong những đơn vị tích cực tham gia quản lý và triển khai nguồn vốn vay thông qua Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH). Trong những năm qua, HPN xã Lê Lợi đã phối hợp chặt chẽ với NHCSXH huyện, đẩy mạnh thực hiện các chương trình tín dụng chính sách nhằm hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế và cải thiện đời sống. Thông qua các tổ tiết kiệm và vay vốn, Hội LHPN xã Lê Lợi đã thực hiện việc cho vay vốn đạt kết quả rất cao. Các tổ TK&VV của Hội LHPN xã luôn bám sát quy trình cho vay của NHCSXH đề ra gồm 8 bước:

Bước 1: Khi có nhu cầu vay vốn, người vay viết Giấy đề nghị vay vốn kèm các loại giấy tờ theo quy định (nếu có), gửi cho Tổ TK&VV.

Bước 2: Tổ TK&VV nhận được hồ sơ xin vay của người vay, tiến hành họp Tổ TK&VV để bình xét cho vay, kiểm tra các yếu tố trên Giấy đề nghị vay vốn, đối chiếu với các đối tượng xin vay đúng với chính sách vay vốn của Chính phủ. Sau đó, lập danh sách hộ gia đình đề nghị vay vốn NHCSXH (mẫu 03/TD) kèm Giấy đề nghị vay vốn và các loại giấy tờ khác theo quy định trình UBND cấp xã xác nhận. Cuộc họp Tổ TK&VV có sự tham gia chỉ đạo của đại diện Hội đoàn thể cấp xã và sự giám sát của Trưởng thôn. Trường hợp người vay chưa là thành viên của Tổ TK&VV thì Tổ TK&VV tổ chức kết nạp thành viên bổ sung.

Bước 3: Sau khi có xác nhận của UBND cấp xã, Tổ TK&VV gửi toàn bộ hồ sơ đề nghị vay vốn cho NHCSXH để làm thủ tục phê duyệt cho vay.

Bước 4: Chờ thông báo kết quả phê duyệt cho vay của NHCSXH.

Bước 5: UBND cấp xã nhận được thông báo kết quả phê duyệt cho vay mẫu số 04/TD và thông báo trực tiếp cho Hội Phụ Nữ xã.

Bước 6: Nhận được thông báo kết quả phê duyệt cho vay của NHCSXH (Mẫu số 04/TD) từ UBND cấp xã, Hội LHPN xã thông báo cho Tổ TK&VV và triển khai các công việc có liên quan. Hộ vay vốn Tổ TK&VV NHCSXH UBND cấp xã Hội đoàn thể cấp xã 10

Bước 7: Tổ TK&VV thông báo cho người vay biết số tiền được vay và thời gian, địa điểm NHCSXH giải ngân. Khi thông báo cho người vay, Tổ trưởng TK&VV phải cụ thể về thời gian, địa điểm và yêu cầu người vay mang theo Chứng minh nhân dân hoặc Thẻ căn cước để nhận tiền. Nếu người vay không trực tiếp đến nhận tiền vay, thì được uỷ quyền cho thành viên trong hộ đến nhận thay nhưng phải có Giấy uỷ quyền có xác nhận của UBND cấp xã.

Bước 8: Ngân hàng tiến hành giải ngân trực tiếp cho người vay tại Điểm giao dịch xã hoặc tại trụ sở NHCSXH nơi cho vay, với sự chứng kiến của Ban quản lý Tổ TK&VV, cán bộ Hội Phụ nữ nhận uỷ thác cấp xã. Để buổi giải ngân đạt hiệu quả, an toàn cao nhất, tổ giao dịch xã phải chủ động sắp xếp các công việc như: Hồ sơ vay vốn, dự kiến thu nợ, thu lãi (nếu có) để chuẩn bị lượng tiền cần thiết giải ngân và các giấy tờ liên quan, phương tiện làm việc...; Trong quá trình giao dịch, cán bộ phải tự giác, nghiêm túc và tuân thủ theo đúng quy trình đã quy định.

Hội Phụ nữ xã Lê Lợi hiện đang quản lý tổng dư nợ cho vay là 10.430 triệu đồng, với ba Tổ tiết kiệm và vay vốn (Tổ TK&VV) đã được thành lập và quản lý một cách hiệu quả. Trong đó, chương trình cho vay giải quyết việc làm đã hỗ trợ 127 hội viên và lao động tại địa phương. Chương trình cho vay giải quyết việc làm đã giúp nhiều hộ gia đình có điều kiện phát triển kinh tế, mở rộng sản xuất và tạo thêm việc làm cho người lao động. Các khoản vay từ NHCSXH có lãi suất ưu đãi, thời gian hoàn trả linh hoạt, giúp người vay dễ dàng sử dụng vốn một cách hiệu quả mà không gặp nhiều áp lực về tài chính. Bên cạnh đó, ngân hàng cũng có các chương trình giám sát và hỗ trợ người vay trong quá trình sử dụng vốn, đảm bảo tiền vay được sử dụng đúng mục đích.

Nhìn chung, các chương trình cho vay giải quyết việc làm của NHCSXH đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực, không chỉ hỗ trợ kinh tế hộ gia đình mà còn đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững ở địa phương. Điều này góp phần quan trọng trong việc giảm tỷ lệ hộ nghèo và cải thiện đời sống của người dân. Nhờ nguồn vốn vay, nhiều mô hình sản xuất kinh doanh ở địa phương đã được mở rộng, từ đó đóng góp vào sự phát triển kinh tế chung của xã. NHCSXH chú trọng đối tượng là các hộ nghèo, cận nghèo, thanh niên, phụ nữ và người khuyết tật. Những khoản vay này giúp các đối tượng yếu thế có thêm cơ hội học nghề, khởi nghiệp hoặc tìm kiếm việc làm, qua đó nâng cao thu nhập và ổn định cuộc sống. Bên cạnh đó, chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường (NS&VSMT) cũng đã giải quyết nhu cầu cấp thiết của 110 hộ gia đình, giúp nâng cao chất lượng cuộc sống và bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

Ngoài ra, hội cũng đã hỗ trợ hai trường hợp hội viên tiếp cận nguồn vốn của chương trình nhà ở, nhà tình nghĩa quỹ (NHNTQ), tạo điều kiện cho gia đình hội viên cải thiện môi trường sống, vươn lên thoát nghèo bền vững đúng với thực tế “ an cư lạc nghiệp”.

Không chỉ dừng lại ở việc phối hợp giải ngân, HPN xã Lê Lợi còn tích cực thực hiện công tác kiểm tra, giám sát quá trình sử dụng vốn vay của các tổ viên, đảm bảo nguồn vốn được sử dụng đúng mục đích và phát huy hiệu quả tối đa. HPN xã cũng khuyến khích tổ viên tham gia gửi tiền tiết kiệm, qua đó xây dựng một nguồn quỹ vững chắc cho tương lai.

Quy trình cho vay đối với nguồn vốn CSXH được thực hiên nghiêm ngặt đảm bảo đúng đối tượng cho vay và đúng mục đích sử dụng vốn.

Nhờ sự nỗ lực của hội và sự hỗ trợ từ các chương trình tín dụng, nhiều hội viên phụ nữ tại xã Lê Lợi, đặc biệt là những phụ nữ thuộc diện khó khăn, đã có cơ hội tiếp cận nguồn vốn, vươn lên trong cuộc sống và góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.